Tiềm năng thương mại hóa của các sáng chế, GPHI, GPKT trong chương trình Sáng tạo Việt

Thực tế ở các nước phát triển, việc nâng cao sức mạnh phát triển của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn đến yếu tố công nghệ, mà nhân tố quyết định của công nghệ lại là yếu tố sáng tạo của con người được biểu hiện qua các sáng chế, sáng kiến, giải pháp công nghệ,… có khả năng ứng dụng cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình từ nghiên cứu khoa học đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế đã chứng minh rằng con người không giới hạn ở trình độ học vấn, giới tính,… đã cho ra đời những sáng kiến, sáng chế, giải pháp công nghệ rất bổ ích, góp phần rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay trên toàn thế giới có hàng triệu thông tin sáng chế không được bảo hộ tại Việt Nam hoặc đã hết thời hạn bảo hộ và có khả năng khai thác phục vụ sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng tốt, phát huy được sức sản xuất trong nhân dân, trong đó rất nhiều các sáng kiến, sáng chế, giải pháp công nghệ lại được sản sinh ra trên những hoạt động thực tiễn như: các nông dân trong quá trình sản xuất thực tiễn đã có thể tạo ra các sáng kiến, sáng chế nhằm cải thiện tình trạng sản xuất hiện tại.

Tuy nhiên, sáng kiến, sáng chế mới chỉ dừng lại ở vùng, địa phương chưa thể nhân rộng ra các vùng khác. Để phát huy các thành quả này, một yêu cầu cấp bách là chúng ta cần đẩy mạnh, phát triển các sáng chế, sáng kiến, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp… Nhằm thực hiện các mục tiêu đó, các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình phát triển thị trường, các Quỹ đầu tư ra đời nhằm kết nối việc ứng dụng phát triển các công trình này vào sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình “Sáng tạo Việt” của Đài truyền hình Việt Nam là một chương trình phát động một cuộc thi về sáng chế và các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tại Việt Nam nhằm tập hợp các công trình sáng tạo có giá trị ứng dụng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong đời sống hằng ngày, thông qua đó hỗ trợ, kết nối việc ứng dụng phát triển các công trình này vào sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có hàng trăm sáng chế, sáng kiến kỹ thuật có thể áp dụng vào đời sống, cải thiện hiệu suất sản xuất. Tuy nhiên, chương trình hiện nay đang đẩy mạnh khâu truyền thông về ý nghĩa to lớn của các thành tựu về sáng kiến, sáng chế, giải pháp khoa học và công nghệ cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Các vấn đề liên quan đến thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sáng chế, sáng kiến kỹ thuật vẫn chưa được đẩy mạnh.

Trong bài này, tác giả sẽ đánh giá, lựa chọn một số sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ hoàn thiện, nhân rộng, phổ biến các sản phẩm này.

Trước hết, ta cần hiểu:

- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

- Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.

-  Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:  Có tính mới; Có khả năng áp dụng công nghiệp (Theo Luật sở hữu trí tuệ - 2009).

- Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đáp ứng các điều kiện sau: Có tính mới trong phạm vi cơ quan, tổ chức; Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử và mang lại lợi ích thiết thực (Nghị định ban hành về điều lệ sáng kiến kỹ thuật số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 03 năm 2012). Như vậy bước đầu qua qua chương trình đã cung cấp những thông tin cơ bản, quan trọng liên quan đến các khái niệm, kiến thức cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ, cách thức xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp...

Trong 5 năm hoạt động (2012 - 2016), tác giả đã tổng kết được gần 200 sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật từ năm 2012 - 2015, chia làm 6 ngành nghề:

- Công nghiệp.

- Nông nghiệp.

- Vật liệu.

- Viễn thông.

- Y tế.

- Dịch vụ.

Hiện nay đa số các sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật trong chương trình “Sáng tạo Việt” đã giải quyết được một vấn đề cụ thể của một địa phương. Tuy nhiên nhiều sản phẩm công nghệ trong chương trình “Sáng tạo Việt” không được nhân rộng ra nhiều địa phương khác mà chỉ giới hạn tại vùng mà tác giả đang sinh sống.

Dưới đây là một số đánh giá chung của tác giả về các sản phẩm công nghệ trong chương trình “Sáng tạo Việt”:

- Ưu điểm:

+ Giải quyết ngay các vấn đề mà tại địa phương tác giả gặp phải.

+ Các sản phẩm công nghệ đơn giản dễ sử dụng.

+ Phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương tại Việt Nam.

+ Giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam.

- Tuy vậy, các sản phẩm này vẫn còn có những nhược điểm:

+ Do là thiết kế tự phát nên các sản phẩm vẫn còn thô sơ.

+ Các sản phẩm chưa đồng nhất về thiết kế (các loại thiết bị đơn giản, chủ yếu là tận dụng các thiết bị cũ, nguyên vật liệu tự chế, tái sử dụng, với kỹ thuật cơ khí thấp, do vậy máy móc được tạo ra còn thô sơ, thiếu đồng bộvà nhiều trường hợp khó sản xuất đại trà.).

+ Các sản phẩm còn mang tính vùng, miền, địa phương cao, trình độ kỹ thuật tương đối hạn chế, mang tính chắp vá, thử sai, khả năng nhân rộng thấp.

+ Chưa được nhân rộng, phổ biến cho các địa phương khác do vậy ít người biết đến những sản phẩm này.

Dựa trên một số tiêu chí, tác giả lựa chọn ra 3 sáng chế và 5 giải pháp kỹ thuật mà có tiềm năng thương mại hóa, phù hợp với những tiêu chí để nhân rộng sản phẩm này:

- Các sáng chế có tiềm năng thương mại hóa:

+ Dây chuyền sản xuất gạch không nung – TS. Vũ Duy Thoại.

+ Bộ tiết kiệm xăng – tác giả Nguyễn Hữu Trọng.

+ Công nghệ xử lý rác thân thiện với môi trường – tác giả Trịnh Đình Năng.

- Các giải pháp kỹ thuật có tiềm năng thương mại hóa:

+ Gạch xây âm dương – tác giả Nguyễn Văn Nam.

+ Gạch, bê tông bọt nhẹ – tác giả Trần Văn Lượng.

+ Máy lọc nước từ vỏ trấu – tác giả Lương Văn Để.

+ Công nghệ tạo màng bề mặt dùng cho bảo quản rau quả – tác giả Nguyễn Duy Lâm.

+ Nhiên liệu sinh học (Ethanol) từ phế thải nông nghiệp – tác giả GS.TSKH Trần Đình Toại.

Nguồn: Niptex