Marketing online trong thương mại hóa sáng chế, công nghệ

          Ngày 06/10/2016 Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ thành lập hội đồng nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu Marketing online trong thương mại hóa sáng chế và công nghệ tại Việt Nam theo kinh nghiệm của một số nước” – một trong 4 đề tài nghiên cứu cấp Cơ sở năm 2016 của Viện, do Th.S Trương Nguyệt Ánh làm chủ nhiệm.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Th.S Trương Nguyệt Ánh trình bày tổng quan về vai trò, lợi ích và tình hình ứng dụng Marketing online trong thương mại hóa sáng chế, công nghệ tại Việt Nam. Theo như báo cáo, hiện nay ở Việt Nam, việc thương mại hóa sáng chế và công nghệ còn rất hạn chế. Có rất nhiều vấn đề gặp phải trong quá trình thương mại hóa, đặc biệt là vấn đề marketing. Các nhà sáng chế, doanh nghiệp cần phải tiến hành những giải pháp tiếp cận thị trường đồng bộ thông qua nhiều kênh khác nhau, từ truyền thông đại chúng, tiếp thị trực tiếp, xúc tiến bán hàng, triển lãm thương mại, hội thảo, hội nghị... Đây là một quá trình lâu dài, tốn kém nhân lực và mất khá nhiều chi phí, nếu chỉ tiến hành hoạt động xúc tiến đơn lẻ thì sẽ kém hiệu quả. Trong khi đó, Marketing online, với khả năng tương tác cao với người sử dụng internet, linh hoạt trong triển khai và phong phú về hình thức, đã đang trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Do vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng phương thức marketing này để phục vụ cho thương mại hóa sáng chế, công nghệ là rất cần thiết.

Trên cơ sở tìm hiểu một số hình thức Marketing online sáng chế, công nghệ của hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp marketing online dành cho loại hình sản phẩm là sáng chế và công nghệ phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam như: Video Ads, Social Influencer Marketing, sàn giao dịch thương mại điện tử...

Sau báo cáo của chủ nhiệm đề tài, các thành viên trong hội đồng đã đưa ra những câu hỏi để làm rõ hơn các nội dung nghiên cứu và có những ý kiến đóng góp, chỉnh sửa đề báo cáo được hoàn thiện hơn.

Nguồn: Niptex