Tác giả Phạm Văn Hát và robot reo hạt tự động

Từ ngày 09 đến 13 tháng 05 năm 2017, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ tổ chức đoàn khảo sát tại tỉnh Hải Dương.
Trong chương trình khảo sát địa phương lần này, đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã đến thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương để gặp ông Phạm Văn Hát, người đã sáng chế thành công hàng chục máy nông nghiệp giúp tăng năng suất lao động cho bà con nông dân.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hát chia sẻ về một số "thành tựu" trong quá trình lao động của mình:
- Năm 2009, ông Phạm Văn Hát đã chế tạo thành công máy rải phân tự động trên đất Israel.
- Năm 2011, ông Phạm Văn Hát chế tạo thành công dàn cày 3 lưỡi, 4 lưỡi áp dụng cho các loại máy cày có công suất lớn hơn.
Đặc biệt phải kể đến trong số các sáng kiến của ông Phạm Văn Hát chính là rô-bốt đặt hạt, được chế tạo thành công và cung ứng ra thị trường vào năm 2013. Đây là sáng kiến giúp khắc phục thực trạng gieo hạt giống bằng máy sạ kéo tay, khoảng cách hạt không đều khiến nông dân bị lãng phí hạt giống và tốn công nhổ tỉa cây. Trải qua gần 1 năm thử nghiệm, chiếc máy mới được ra đời và đưa vào sử dụng.

IMG 5550 fada3

Đại diện Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ trao đổi với ông Phạm Văn Hát về robot gieo hạt. Ảnh: Công Đức

Ưu điểm của chiếc rô-bốt này là sử dụng bình ắc quy nên không cần người vận hành, tiết kiệm được công lao động; van điều khiển tự động đóng mở nên mật độ cây đồng đều, đặc biệt không gây lãng phí hạt giống. So với công đoạn gieo hạt trước đây, rô-bốt đặt hạt đã giải phóng hoàn toàn lao động thủ công, tiết kiệm được 20% lượng hạt giống. Sản phẩm rô-bốt đặt hạt ban đầu dùng cho các loại hạt rau như cà rốt, mồng tơi, rau dền, sau được ông Hát cải tiến và cho ra đời các loại máy gieo hạt dùng cho từng loại như máy gieo hạt ngô, máy gieo hạt đậu đỗ, máy gieo hạt rau giống, máy gieo hạt rau giống và rau ăn lá… Rô-bốt đặt hạt và các loại máy gieo hạt chuyên dụng có độ chính xác đến 97%, với giá thành chỉ từ 20-30 triệu đồng/chiếc nên phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều hộ nông dân. Chính vì vậy, sản phẩm rô-bốt đặt hạt đã được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong và ngoài tỉnh, sử dụng trong các vườn ươm cây giống cà rốt, su hào, cải bắp và các loại rau ăn lá…
Theo ý kiến nhận xét của đại diện đoàn khảo sát Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ: "Các sáng chế của ông Hát có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại nên được khách hàng tin tưởng và ưa chuộng. Mặc dù vậy, các sản phẩm do ông Hát sáng tạo chưa có sản phẩm nào được đăng ký bảo hộ sản phẩm. Điều này sẽ gây ra những bất lợi đối với người chủ sáng kiến khi có các tranh chấp xảy ra. Để bảo vệ quyền lợi cũng như được hưởng lợi nhuận từ việc khai thác thành quả sáng tạo của mình, ông Phạm Văn Hát rất cần sự tư vấn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện các thủ tục để được cấp bảo hộ độc quyền sáng chế".
Kết thúc buổi làm việc, đoàn khảo sát giới thiệu về cơ sở dữ liệu mà Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ sở hữu về: lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Qua đây, ông Phạm Văn Hát cũng hi vọng được tiếp cận với nguồn sáng chế này để học hỏi, qua đó hoàn thiện các sản phẩm của mình.

Nguồn: Niptex