Dầu bôi trơn cho quá trình đúc nhôm kim loại

Hiện nay, nhôm và các hợp kim của nhôm đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp, quốc phòng và trong đời sống. Sự gia tăng ứng dụng của “kim loại có cánh” khiến công nghệ đúc nhôm ngày càng phát triển. Cùng với sự đa dạng của các phương pháp đúc nhôm kèm theo sự phát triển của các hợp chất bôi trơn cho quá trình này nhằm đáp ứng các yêu cầu bôi trơn riêng của từng quá trình đúc.
Trước đây trong công nghệ đúc người ta thường sử dụng các bột ép là các chất trợ trượt. Tuy nhiên các loại bột ép này mới chỉ đảm bảo được khả năng tách khuôn còn chức năng bôi trơn, làm mát, góp phần hóa rắn kim loại là không đáng kể. Có thể dùng các dầu thực vật thay thế cho bột ép, dầu này khi tiếp xúc với vật liệu đúc nóng sẽ tạo ra một lớp trượt có chứa hydrocacbon và có tác dụng tách khuôn và thanh kim loại đã hóa rắn, tuy nhiên dùng các dầu này thì giá thành cao, khi tác dụng sẽ tạo khói mạnh và có mùi khó chịu.

dauboitron e8e89

Quá trình đúc nhôm, kim loại. Nguồn: thegioidaunhon.vn


Để khắc phục các hạn chế nêu trên, các nhà khoa học Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu quy trình và sản xuất thành công 3 loại dầu bôi trơn cho các quá trình đúc nhôm từ dầu gốc (trên cơ sở kết hợp dầu gốc khoáng với dầu lạc và dầu dimetyl silicon) và các phụ gia thích hợp: dầu TK1 và TK2 sử dụng ở dạng pha nước hoặc không pha, dầu TK3 sử dụng ở dạng đặc không pha.
Kết quả thử nghiệm tại Công ty TNHH Trường Lực cho thấy, hóa chất phun ra thành tia liên tục nhỏ đều, không bị tòe, không làm tắc súng phun trong quá trình phun phủ; bề mặt khuôn sau phủ lần 2 có độ nhám mịn đều, không nhám sùi, không mỏng quá; sau khi đúc, bề mặt sản phẩm không có cặn, không bị ố, khuôn không dính nhôm, không bị biến dạng, không nứt, sứt vỡ bất thường.
Kết quả nghiên cứu sản xuất dầu bôi trơn đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của quá trình đúc các chi tiết, thiết bị, máy móc làm bằng nhôm kim loại, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu thụ trong nước, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.