Khi nuôi các loại gia súc người nông dân thường gặp vấn đề với nhiều loại côn trùng như ruồi, muỗi, bọ,… Muỗi hút máu làm giảm sức khỏe vật nuôi và côn trùng nói chung thường là những vật trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm. Hiện có nhiều phương pháp diệt côn trùng cho gia súc như dùng các chất sát trùng, tẩy uế đơn giản như nước vôi 1%, ozon… đến các hóa chất chuyên dụng đắt tiền.
     Ông Trần Văn Lía là vốn có niềm đam mê với môn vật lý, song do không có điều kiện theo học, nên hết lớp 12, ông ở nhà làm ruộng. Thấy đàn bò nuôi mãi không lớn vì bị muỗi chích quá nhiều, ý tưởng một thiết bị bắt côn trùng đã được ông manh nha và cho ra đời. Thiết bị đơn giản, bao gồm quạt điện, bóng điện màu, dây điện, bìa cứng, vải mùng mịn và keo siêu dính, ông đã chế tạo ra chiếc quạt bắt côn trùng gồm 3 bộ phận hoạt động theo nguyên lý của lực hút và lực đẩy. Cách thiết kế máy cũng khá đơn giản, cắt 2 bìa cứng và khoanh thành 2 ống tròn, sau đó dùng keo dán chúng vào mặt trước và mặt sau của quạt điện, đặt bóng đèn màu vào ống tròn phía gió hút, ống tròn phía gió đẩy bịt đầu với một tấm vải mùng mịn.
     Khi nào có muỗi nhiều, gió mạnh, người sử dụng đặt quạt sao cho hướng gió từ quạt xuôi với chiều gió và khởi động quạt. Côn trùng xung quanh sẽ bị thu hút bởi bóng đèn màu và tự bay đến, gió sẽ đẩy chúng vào cánh quạt đang quay, lực quay của cánh quạt hút chúng vào ống tròn phía trong và đẩy qua vào tấm vải mùng phía sau. Hoạt động tại những nơi nhiều côn trùng như chuồng nuôi gia súc, gia cầm, thiết bị này có thể bắt được từ 1 - 2 lạng côn trùng mỗi đêm.

t1 quat bat 16d83

Nguồn ảnh: Sáng kiến&Giải pháp


     Từ thành công trên, ông Lía đã cải tiến máy bắt muỗi thành máy bắt rầy cho lúa. Cơ bản thì quạt bắt muỗi và quạt bắt rầy giống nhau, song quạt bắt rầy được trang bị ống hút và ống đẩy dài và rộng hơn, có bình sạc điện và công tắc an toàn. Khi sử dụng máy có buộc một cành cây, kéo sát lá lúa để đánh thức rầy. Thử nhiệm hoạt động cho kết quả khả quan với lượng rầy bắt được là tương đối nhiều.
     Ưu điểm lớn nhất của chiếc quạt bắt côn trùng này là nguyên vật liệu dễ mua, dễ lắp đặt, quy trình vận hành đơn giản, dễ sử dụng, giá rẻ (khoảng từ 200 - 300 nghìn đồng/cái), chi phí điện thấp. Ngoài ra, xác côn trùng có thể sử dụng làm thức ăn để chăn nuôi gà, ếch và cá cảnh.


Nguồn: Niptex