Đầu tư cho phát triển công nghệ, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hoạt động đầu tư cho phát triển công nghệ, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” được thực hiện trong 9 tháng. Đề tài tập chung chủ yếu vào hai nội dung chính là: đưa ra khái niệm về "đầu tư cho phát triển công nghệ" và khái niệm về "hoạt động đầu tư cho phát triển công nghệ" và rút ra một số kinh nghiệm của một số nước trên thế giới mà có thể áp dụng cho Việt Nam:

Đầu tư NC&PT cho ngành nông nghiệp

Nông nghiệp hiện nay chiếm phần lớn tỷ trọng lao động, nên Việt Nam cần tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, điều chỉnh lại cơ cấu ngành kinh tế, xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi năng động và thực tế, tự do hóa thương mại và giá cả triệt để theo cơ chế thị trường, khuyến khích sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa sao cho phù hợp với điều kiện mới và đạt hiệu quả cao hơn. Kiên quyết nói không với những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Không đánh đổi môi trường và sức khỏe người lao động để lấy tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ

Cần nâng cao năng lực công nghiệp phụ trợ để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư công nghiệp của nước ngoài.

Đầu tư nâng cao năng lực con người

Phát triển giáo dục và khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần phải tập trung vào phát triển nguồn nhân lực tri thức cao, bởi vì việc nghiên cứu khoa học trong nước không phải cứ có nguồn tiền là làm được thành công.

Hỗ trợ phát triển KH&CN

Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng, triển khai bằng các biện pháp nhằm tăng cường nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Khuyến khích hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu của chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân thông qua chính sách “công nghệ lưỡng dụng”, các quy định nghiên cứu của chính phủ và các doanh nghiệp phát triển các công nghệ thích dụng cho cả mục đích quân sự và mục đích dân sự. Bộ quốc phòng được phép kết hợp với các tổ chức tư nhân đầu tư vào công nghệ có thể tăng hiệu quả chi tiêu và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Khuyến khích hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh. Chính phủ cần hỗ trợ, cho phép lập các liên doanh trong lĩnh vực nghiên cứu.

Khuyến khích đầu tư vào công nghệ thông qua các chính sách thuế.

Tận dụng các công nghệ đã hết hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam.

Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu các sáng chế đã hết hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam. Qua đó các doanh nghiệp biết được mình có thể ứng dụng các sáng chế, công nghệ nào một cách hợp pháp mà không bị tranh chấp, khiếu kiện về sau. Đây là cách tận dụng hiệu quả, tiết kiệm các sáng chế trên thế giới một cách hợp pháp.

Đổi mới cơ chế hoạt động KHCN

Nhiều chiến lược, giải pháp đã được đề ra để tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án KHCN quốc gia và nâng cao năng lực KHCN quốc gia. Đó là triển khai mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực KHCN; chuyển các tổ chức KHCN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực hiện cơ chế Nhà nước “đặt hàng” đối với các nhiệm vụ KHCN, trước hết đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao; áp dụng các hình thức mua, khoán sản phẩm phù hợp với từng loại hình hoạt động KHCN; Tăng mức chi, bổ sung và mở rộng nội dung chi, đơn giản hóa thủ tục hóa đơn, chứng từ tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động KHCN.

Chúng ta cần áp dụng một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho KHCN, đặc biệt là đầu tư của DN cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Kiến nghị sửa đổi quy định về việc DN có thể trích trên 10% thu nhập tính thuế hàng năm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, chuyển cơ chế cấp phát tài chính để thực hiện các nhiệm vụ KHCN sang cơ chế quỹ. Triển khai nhanh chóng và đồng bộ hệ thống các quỹ KHCN bao gồm các quỹ quốc gia, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đây là điểm mới đáng kể, một cơ chế tích cực. Cơ chế này đã được thực hiện từ lâu ở hầu hết các nước phát triển và thực tế kiểm nghiệm đã cho thấy hiệu quả.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Để đẩy mạnh ứng dụng sáng tạo khoa học vào thực tiễn, cần có sự bắt tay giữa nhà khoa học và DN. Đây được xem là con đường tốt nhất để thương mại hóa các công trình khoa học và cũng là cách làm để đưa các công trình khoa học vào cuộc sống.

Cần hỗ trợ nguồn lực để các tổ chức nghiên cứu liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn quỹ hỗ trợ phục vụ cho quá trình nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Tăng cường hoạt động "Giải mã Công nghệ"

Nhiều quốc gia châu Á đã vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ nhờ áp dụng chiến thuật “Giải mã công nghệ”. Đi tắt, đón đầu, sáng tạo làm chủ công nghệ là con đường ngắn nhất để Việt Nam bứt phá trên con đường chinh phục KH&CN. Song để đi đến thành công, con đường đó còn rất nhiều gian nan trước mắt.

*Các phương pháp “giải mã công nghệ” thành công trên thế giới. 

- Phương pháp sao chép giá rẻ

- Phương pháp Chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền công nghệ

 - Phương pháp sao chép và cải tiến

*Các bước giải mã công nghệ được tiến hành ở các nước trên thế giới:

- Sao chép công nghệ

- Hoàn thiện công nghệ

Nguồn: Niptex